Friday, April 23, 2010

Review: Để Mai Tính (2010)

Tui nhớ có lần tui nói với anh Charlie là tui cũng khoái làm phim đánh lộn ì xèo nhưng mà nói chung tui không có biết làm làm sao sau khi anh làm xong Dòng máu anh hùng, anh Charlie nói, 'Làm phim đánh lộn chán lắm em ơi. Không có chỉ đạo diễn xuất gì hết, vô ngó xem nó đánh có đúng không, quay mấy chục lần có mỗi cái đấm, cái đá thôi"... Xong anh nói anh khoái làm phim hài tình cảm tâm lý hơn. Tuần này, Để Mai Tính, bộ phim tâm lý hài tình cảm của Charlie sẽ ra mắt ở Việt Nam.

1. Nếu để ý, phim tình cảm hài của Hollywood rất ăn khách ở thị trường Việt Nam. Pretty Woman, 50 first dates, Just Married, Runway Bride, You got mail là vài ví dụ tiêu biểu. Thật ra ngay cả phim thành công về mặt khán giả của Việt Nam đa phần là phim tình cảm hài: Những cô gái chân dài, Nụ hôn thần chết, Chuyện tình xa xứ... Để Mai Tính cũng là một phim tình cảm hài - mà lẽ ra nó nên được phát hành vào dịp Tết thì chắc sẽ đảm bảo thắng đậm về doanh thu hơn khi ra mắt vào mùa hè. Công thức kinh điển - trai gặp gái, trai yêu gái, trai mất gái, trai theo gái, trai được gái - được thể hiện rất duyên dáng trong Để mai tính: Dũng (Dustin Nguyễn), một anh nhân viên vệ sinh khách sạn, bỗng 'trúng tiếng sét tình yêu' với Mai (Kathy Uyên), cô ca sĩ Việt kiều đã 'cứu mạng' anh trong một tình huống 'ngặt nghèo'. Thế nhưng, tình dục đến trước, tình yêu mới lẽo đẽo đến sau (mà chưa biết bao giờ mới đến), cho nên Dũng phải lặn lội chạy theo tình yêu. Anh không muốn, một lần nữa trong đời mình, để cho tình yêu vuột mất khỏi tay. Làm sao một anh nhân viên vệ sinh không có tương lai có thể cạnh tranh nổi với một anh chủ khách sạn Sheraton đẹp trai, lịch lãm (Charlie Nguyễn), nhất là khi cô gái lại là người ham vật chất?

2. Dĩ nhiên Dũng sẽ khó mà có cơ hội 'cua' được Mai nếu không có 'đại gia' chống lưng: Hội, một thương nhân bóng loáng từ trong ra ngoài! Thái Hoà trong vai Hương Hội hoàn toàn 'cướp đất diễn' của mọi diễn viên khác - mỗi khi nhân vật này xuất hiện thì nếu không khiến người xem cười thì cũng làm họ xúc động. Tuyến nhân vật của Hội lại phức tạp và 'có chuyện để nói' nhiều hơn hẳn tuyến chính của Dũng và Mai. Khá thú vị là nhân vật Antoine cũng trở thành một 'đối thủ nặng ký' bởi khác với môtip thông thường trong các phim tình cảm, nàng thường được săn đón bởi một chàng nhà giàu nhưng lưu manh nên thật dễ cho khán giả lẫn cô gái chọn lựa 'tình yêu đích thực', Antoine lại vừa giàu có, vừa lịch lãm, vừa đẹp trai, nói chung không có gì để chê ngoại trừ việc vì sao anh này nhà giàu đẹp trai mà ko chịu bay vô đè em Mai ra cho rồi mà cứ lờn vờn hoài :hihuc: 3. Có thể vì Kathy Uyên có một sự duyên dáng và Dustin có một nội lực diễn xuất đã cứu vãn lại cho nàng Mai và chuyện tình với Dũng, bởi thật sự tình cảm giữa họ làm tui rất phân vân - tại sao Mai phải yêu Dũng? Có điều, tình yêu mà, làm sao lý giải được? Để người xem tin vào tình yêu của hai nhân vật, không chỉ ở chuyện 'tính cách' hay 'có gì đó' mà đôi khi chỉ cần hai người nhìn nhau thôi cũng thấy có tình yêu... mà may sao, chuyện đó thì cả Kathy lẫn Dustin làm được. Nhưng nói về duyên, thì cũng phải nói về Thái Hoà. Mọi câu thoại của Hội đều khiến tui bật cười. Có lẽ thoại của nhân vật này là một trong những câu thoại hay nhất trong phim Việt Nam gần đây. Hội không bao giờ nói điều mình nghĩ, mà chính điều đó tạo nên sự độc đáo của nhân vật này. (Chẳng hạn thấy Dũng mặc đồ xấu thì Hội 'mát mẻ 'Dũng mặc đồ đẹp quá à, Dũng mặc đẹp vậy sao Hội dám đi cạnh Dũng?').
Những màn ỏng ẹo của Hội không khác xa mấy với những má mì của Anh Vũ và Minh Nhí trong Gái nhảy và Lọ Lem hè phố. Trong khi báo chí ca ngợi vai đồng bóng của Hội là 'rất thật' thì cả hai má mì đều bị lên án là 'chọc cười rẻ tiền, sỉ nhục người đồng tính'. tui thì thấy, thật ra cả ba diễn viên này đều thể hiện những người đồng bóng như chúng ta có thể thấy hàng ngày, đều khai thác miếng cười từ những cử chỉ lố bịch của họ, bởi cái sự ỏng ẹo diêm dúa của họ. Tui dám chắc khán giả sẽ ngồi cười đau bụng với Hội như tui cười khi xem nhân vật này. Chỉ khác ở chỗ Để Mai Tính hé lộ ra tâm sự của Hội khiến chúng ta thông cảm hơn cho Hội, trong khi hai má mì thì không. Giả sử cắt bỏ đi cảnh tắm hơi của Dũng và Hội - một trong những cảnh thành công nhất của bộ phim bởi vừa buồn cười vừa xúc động - thì chị bóng Hội và các má mì không khác nhau mấy. Thế nhưng, vì hai má mì chỉ là những nhân vật rất phụ, bộ phim không kể về thân phận của họ mà kể về số phận những cô gái nhảy, nên đương nhiên người làm phim cũng không nhất thiết phải hiểu tâm tư nguyện vọng của các má mì làm gì. Còn về bản chất, khán giả vẫn cười vào người đồng bóng, và người làm phim vẫn khai thác tiếng cười từ đó. Chẳng có gì sai. Chuyện 'sai trái' này, thui để hôm nào rảnh tui sẽ nói kỹ hơn.
4. Nhạc phim là một trong những thành công của Để Mai Tính. Những ca khúc của Đức Huy rất gần gũi và thân quen làm tui nhớ lại những năm 90, những năm tháng đi học của mình. Nhất là bài Tìm một con đường, tự nhiên nghe mà thấy bồi hồi vô cùng. Lâu lắm rồi mới nghe lại. Đáng tiếc nhất là ca khúc của Hồ Ngọc Hà và Thanh Bùi lại được lồng vào cảnh quan trọng nhưng không mấy ăn-rơ, dù bài này tui thấy khá hay. Giọng Hồ Ngọc Hà thấy ấm, trầm và còn nam tính hơn giọng của chú Thanh Bùi kia.....(Phim này ra đúng vào dịp em Hồ Ngọc Hà công bố chính thức em có bầu).
5. Ngoài nhạc hay còn có cảnh đẹp và không khí hiện đại. Nha Trang, Hà Nội bỗng đẹp lạ, như chưa từng thấy trên phim. Đáng nói nhất là không khí của Việt Nam ngày hôm nay - với người nước ngoài tràn ngập trong những quán bar - đem đến hơi thở riêng cho Để Mai Tính. Để Mai Tính được làm với một êkip Việt Kiều từ trên xuống dưới, mà cảm giác đó hiện rõ trên phim, tui không thể lý giải rõ ràng. Nó vừa rất Việt Nam nhưng vừa rất Mỹ. Như cảnh Dũng chở Mai đi chơi trên xe máy dạo quanh Sài Gòn, rất giản dị, rất Sài Gòn, rất hiện đại nhưng cũng rất 'Việt Kiều'.
6. Phim này có một đoạn làm tui xúc động suýt rơi nước mắt. Suýt thôi chưa kịp rơi. Là khi Mai nói về Lan và về số phận của cô. Về những con người bị phán xét 'chạy theo vật chất'. "Anh may mắn không lớn lên trong nghèo khổ nên anh không hiểu được cảm giác đó'. Tui không tội nghiệp cho Dũng khi chứng kiến cảnh Mai đi cùng Antoine. Tui thấy thương cho Mai phải giằng co giữa tình yêu (không biết đến từ đâu) và một cuộc sống vững bền. Làm sao trách Mai nếu cô chọn Antoine, bởi Antoine cũng yêu cô thật lòng, nhưng lại đảm bảo được cả cuộc đời cô về sau?
SPOILER - DÀNH CHO BẠN NÀO ĐÃ XEM PHIM
Lẽ a Để Mai Tính sẽ có một đoạn kết khác. Một đoạn kết mà, theo tui, sẽ là 'happy ending' trọn vẹn. Dĩ nhiên, với nhiều người thì đó không phải là happy ending, không phải là một kết thúc có hậu mà họ mong chờ. Mai sẽ chấp nhận tình yêu của Antoine. Dũng ra đi, và bỗng vô tình gặp lại Lan, và lần này, anh không để cho tình yêu của mình vuột mất. Tui chưa xem kết thúc 2 này nên tui không thể nói nó hay hơn hay dở hơn. Những người đã được xem để nhà sản xuất tham khảo ý kiến đã chọn kết thúc mà các bạn được xem ngoài rạp.
Tui nghĩ kết thúc kia nó rất 'thời sự'. Nó thể hiện được tính cách 'làm gì có lợi' của người Việt Nam hiện đại - cái gì có lợi thì mình làm, tự trọng, tình yêu hay đạo đức đâu có quan trọng. Có điều, phim ảnh thì nên mơ mộng một chút. Để tình yêu đến giữa Dũng với Mai, phải chăng bởi vì chúng ta sẽ khó mà tìm thấy tình yêu phi lợi nhuận ngoài đời nên đành tìm nó trên màn ảnh rộng?
7. Tuy là phim tình cảm nhưng cảnh hành động đua xe trong phim này thiệt là xuất sắc!
8. Mà thiệt kỳ, cứ hễ xem một phim Việt Nam hay, được làm đàng hoàng tử tế, là tui lại hồi hộp. Hồi hộp, vì tui sợ phim sẽ ế khách. Bởi vì đã có nhiều phim đàng hoàng thất bại ở phòng vé, và những phim được làm cẩu thả lại thắng đậm về doanh thu. Vì sao thì thôi, tui không biết, có biết cũng không dám nói.
Nên giờ cầu trời phim Để Mai Tính thành công, để tui còn chút niềm tin...

 http://www.phanxineblog.com/?p=4059

No comments:

Post a Comment