Wednesday, April 14, 2010

Đọc mà học theo này ;))

Võ Thành Minh Tuệ với ước mơ đã đạt: vào ĐH Stanford, Mỹ - Ảnh: CÔNG NHẬT

Một người trẻ giỏi giang
"Chúng tôi tin Tuệ sẽ có những cống hiến đáng kể cho nhà trường và xã hội. Hội đồng tuyển sinh ấn tượng mạnh bởi lá thư xin nhập học của cậu học trò Việt này. Một tư duy sâu sắc, một quyết tâm học đáng nể, một sự khiêm tốn chuẩn mực, một người biết sống vì mọi người. Không còn gì để nói, chỉ biết chúng tôi sẽ rất may mắn nếu cậu quyết định học tại đây!"
Bà Mollie Weinstein-Gold (giáo sư Trường ĐH Stanford, Mỹ)
Sẽ cần đến... cả ngày mới kể hết số giải thưởng Tuệ đã đoạt được trong thời gian học tại Singapore. Ngoài thành tích học tập ở trường luôn duy trì ở mực chót vót (điểm tổng kết 4.8/5.0), Tuệ còn khiến giới học sinh của đảo quốc này kinh ngạc với hàng loạt giải thưởng rải đều ở tất cả môn học!
Ngoài thế mạnh là môn tin học (huy chương vàng Olympic tin học Singapore 2008, 2009), Tuệ còn giành nhiều giải thưởng về toán học (huy chương vàng Cuộc thi toán học quốc tế ở Singapore 2008, giải nhất tiểu luận toán học của Hội Toán Singapore...). Ở lĩnh vực nghiên cứu khoa học vật lý, Tuệ từng khiến bè bạn ngưỡng mộ khi vừa giành huy chương vàng, vừa chiếm luôn ghế thủ khoa kiêm giải bài lý thuyết xuất sắc nhất tại Olympic vật lý Singapore 2008.
Ở cuộc thi khoa học vũ trụ Singapore, Tuệ gây tiếng vang lớn khi vượt qua nhiều đàn anh với bề dày kinh nghiệm để giành được giải thưởng cao nhất trị giá 10.000 đôla Singapore. Ngay sau cuộc thi, Tuệ đã được rất nhiều hãng truyền thông lớn như Straits Times, Dassault Systemes... mời phỏng vấn.
Tuệ còn là một vị khách quen đến “nhẵn mặt” ở các hội thảo nghiên cứu khoa học nhiều nơi trên thế giới. Từ Nhật, Ý đến Ấn Độ, Úc, Singapore... với tư cách là thí sinh lẫn khách mời. Những bài thuyết trình với các thuật ngữ chuyên ngành rất khó ngay cả với người sử dụng tiếng Anh như ngôn ngữ mẹ đẻ, thế mà Tuệ vẫn tự tin và làm mọi người bị thuyết phục bởi vốn kiến thức của mình.
Tuy xác định hướng đi sẽ thiên về khối tự nhiên, nhưng Tuệ cũng “bỏ túi” vài ba giải thưởng văn học loại “khủng”: giải nhất sáng tác truyện khoa học viễn tưởng Singapore 2009, HCV cuộc thi tiểu luận Singapore, giải tư cuộc thi tiểu luận toàn khối thịnh vượng do Hội đồng Anh tổ chức...
Ham đi thi thố là thế, nhưng Tuệ có tiếng là một cá nhân rất hòa đồng ở Trường NUS High School. Tuệ nằm trong ban chấp hành lớp, trường kiêm phụ trách các CLB vật lý, tin học; luôn sẵn sàng hỗ trợ những ai cần bổ sung kiến thức các môn học này.  Tuệ đã không khó để thuyết phục ban tuyển sinh ngôi trường khét tiếng khó vào của Mỹ: ĐH Stanford trao học bổng toàn phần hai chuyên ngành vi tính và kinh tế cho mình.
Vậy đó, nhưng Tuệ rất kín tiếng về thành tích học tập của bản thân trong những năm xa nhà. Nhiều bạn bè cũ tưởng rằng sau “quá khứ lẫy lừng” tại VN thì bạn đã yên phận làm một SV bình thường nơi đất khách. Hỏi về điều này, Tuệ chỉ cười hiền: “Mình đã là gì đâu...!”.
“Mình không thông minh”
Đó là lời bộc bạch của Tuệ với chúng tôi trong lần về lại TP.HCM gần đây.
Tuệ tự nhận thấy mình thuộc dạng người ham học hơn là thông minh. Tuệ đưa ra bằng chứng là có nhiều lần bạn đọc và hiểu sách chậm hơn cả bạn bè hay em gái của mình.
Thành tích có được, theo Tuệ, là nhờ biết tạo sự liên hệ giữa các môn học. Học bất kỳ môn nào Tuệ cũng liên tưởng về việc mình sẽ áp dụng kiến thức đó trong đời thực vào lúc nào, và môn này có thể áp dụng để khám phá môn nào khác. Với Tuệ, khi đã không còn hứng thú học thì nên tìm ngay việc khác để làm rồi quay lại học sau, vì nếu có cố nhét thì kiến thức cũng khó vô được.
Tuệ cho biết ít khi nào phải thức khuya để học, ngủ đủ tám giờ mỗi ngày, thong thả dành một giờ để chơi game hoặc thể thao, một giờ để trò chuyện cùng người thân ở VN, vài giờ để đọc sách, còn lại mới dành cho việc học.
Tuệ cho biết điều day dứt nhất là vẫn chưa làm được gì nhiều cho quê hương kể từ khi du học. Tranh thủ vài tháng nghỉ ngơi trước khi quay lại giảng đường vào tháng 6 này Tuệ sẽ trở lại TP.HCM để “đứng lớp” truyền đạt các kinh nghiệm, kiến thức thuyết phục những ĐH lớn trao học bổng, thi SAT (môn quan trọng nhất để thi đầu vào ĐH Mỹ) như thế nào để đạt điểm cao tại YOLA (một trung tâm do các cựu SV từng học tại Stanford, Dickinson... điều hành).
“HS VN được nhiều giáo sư nước ngoài đánh giá cao, tuy nhiên có quá ít các bạn đoạt được học bổng do không rành đường đi nước bước. Mình may mắn là người đi trước nên có trách nhiệm giúp đỡ những người đi sau. Mình đã nhận được quá nhiều và giờ đến lúc để chia sẻ” - Tuệ bày tỏ.
CÔNG NHẬT

No comments:

Post a Comment