Friday, March 9, 2012

Con đã hiểu tình yêu của mẹ !


>>Đây là dòng cảm xúc của 1 boy Bách Khoa bẩn bựa mà tớ vẫn gặp. Thật khó tin vì chính bạn í đã chia sẻ những suy nghĩ bồng bột của 1 chàng trai mới lớn, đã đến cái tuổi sống có trách nhiệm với bản thân, với gia đình, k còn là đứa trẻ nũng nịu trong vòng tay mẹ, nhưng cũng chưa đủ cứng cáp để  tự lo cho bản thân, hàng tháng vẫn nhận học bổng butachi, vẫn cần lắm mái ấm yêu thương,

 muốn gọi 1 tiếng mẹ ơi lúc xa nhà thế này (*^*) <<

"22 tuổi - con nghĩ con vẫn là đứa con mà mẹ luôn tự hào nhất, là "vốn" để mẹ có thể mang đi so với những bà mẹ khác, nhưng giờ thì con không chắc, thật sự là như thế...

Mẹ à!
Chắc giờ này mẹ ngủ rồi nhỉ? Con thì vẫn đang cặm cụi với đống bài vở, tài liệu. Chợt nhớ đã sang ngày mới rồi, ngày 8/3 mẹ ạ.
Và thế là, con nhớ mẹ, nhớ rất nhiều.
Con thú nhận là con rất ít khi nhớ mẹ, và nhớ đến nỗi phải thốt lên như thế này thì chắc là lần đầu tiên kể từ khi con được coi là trưởng thành cho đến giờ.
Con đã qua sinh nhật lần thứ 21 được 1 tháng, và mẹ cũng qua sinh nhật lần thứ 48 được 2 tuần rồi nhỉ. Vậy là mẹ đã gần 50 rồi, không còn trẻ nữa. Nhưng sao con đã 22 rồi, mà vẫn cảm thấy chưa lớn vậy?
22 tuổi - con là một thằng sinh viên lông bông, ham chơi hơn ham học, có lẽ cái con giỏi nhất và quen nhất là việc mỗi tháng theo chu kì vào một ngày nào đó bấm số máy quen thuộc và ca bài ca : "mẹ ơi, con 'đến ngày' rồi!"
22 tuổi - con vẫn là một thằng vô lo vô nghĩ, vẫn thừa nhận sự chu cấp chăm sóc tuyệt đối từ mẹ, vẫn để mẹ mua cho từ đôi tất, quần "siêu nhân" cho đến sữa rửa mặt, nước súc miệng, lọ lăn nách.... vẫn cười hề hề khi mẹ nhắc nhớ đánh răng rửa chân trước khi đi ngủ.
22 tuổi - con vẫn là một thằng "trẻ con" thích được mẹ chiều, coi việc vòi vĩnh là một điều hiển nhiên và làm mặt lạnh với mẹ khi không được đáp ứng nhu cầu là một điều tất yếu.
22 tuổi - con vẫn chả lo nghĩ tới tương lai của mình, vẫn bồng bột và nông nổi, vẫn ba hoa với mẹ bằng những triết lý viển vông, lấy đi sự tin tưởng của mẹ bằng cách xây dựng cuộc đời bằng lâu đài cát.
22 tuổi - con vẫn xốc nổi chạy theo những ham muốn cá nhân, những trò tiêu khiển tầm thường, con nhìn cuộc đời bằng một lăng kính hẹp, trau chuốt nó bằng những suy nghĩ vụn vặt, ảo tưởng sự thành công bằng tầm nhìn ngắn hạn. Và con coi đó là sự trưởng thành, là đã có đủ sức rời xa khỏi vòng tay mẹ.
22 tuổi - con vẫn nghĩ mình còn trẻ, mình còn nhiều thời gian, mình có thể thay đổi, và con vẫn mang theo tư tưởng ấy, trượt dài theo lối sống được lập trình từ trước đến giờ, biết là nó sẽ dẫn đến một hậu quả mà có lẽ mẹ không bao giờ muốn nhìn thấy, nhưng con vẫn không thể thay đổi, hoặc là con thay đổi chưa đủ.
22 tuổi - con nghĩ mẹ đã có thể an tâm về con, nhưng thay vào đấy là những nếp nhăn trên trán, những tiếng thở dài lo lắng nhiều hơn xưa.
22 tuổi - con nghĩ con vẫn là đứa con mà mẹ luôn tự hào nhất, là "vốn" để mẹ có thể mang đi so với những bà mẹ khác, nhưng giờ thì con không chắc, thật sự là như thế...
22 tuổi - con nghĩ là con đã đủ bản lĩnh để có thể đương đầu với sóng gió, với thất bại, với áp lực mà cuộc sống này mang lại mà không cần sự giúp đỡ của mẹ, nhưng có lẽ con đã lầm.
22 tuổi - con nghĩ con đã có thể rời xa khỏi vòng tay của mẹ - nhưng sự thật, con lại cần nó hơn bao giờ hết.
Không phải con tự trách mình đâu, mà là sự thật đã xảy ra như thế, và nó vẫn đang diễn ra như vậy.
Thời gian thì cứ trôi đi, vô tình bỏ lại tất cả sau lưng. Con thì ngày một lớn, đồng nghĩa với mẹ ngày một già. Có lẽ đối với thời gian, không có gì là bất biến. Nhưng mẹ ạ, con phát hiện ra rồi, có một thứ mãi mãi không bao giờ thay đổi, mặc cho thời gian cũng không thể xói mòn, mãi mãi bất biến trong dòng chảy của lịch sử .
Đấy là tình mẫu tử thiêng liêng, là tình yêu thương của mẹ dành cho con, mẹ ạ.
Con có thể chưa đủ lớn, cũng chưa trải qua cảm giác của bậc làm cha, làm mẹ, nhưng con có thể cảm nhận được sự kì diệu và cao cả của tình yêu ấy.
Đó là sự hi sinh vô điều kiện .
Đó là sự chăm sóc vô điều kiện .
Đó là sự bao bọc, che chở vô điều kiện .
Đó là sự tin tưởng hoàn toàn vô điều kiện .
Đó là sự chấp nhận nỗi đau vô điều kiện .
Đó là sự chấp nhận tổn thương, vô điều kiện .
Và đó là yêu thương, cho đến lúc chết ...
Con đã thấy những bà mẹ 9 tháng mang nặng đẻ đau, rớt nước mắt hạnh phúc khi được bế trên tay sinh linh bé bỏng của mình, con thấy niềm hạnh phúc khi được làm mẹ.
Con đã thấy những bà mẹ tài năng, có thể làm ca sĩ hát ru con ngủ, làm nhạc sĩ chế những bài chỉ mẹ và con biết, làm diễn viên hài khi dỗ con khóc, và là người thầy đầu tiên khi dạy con bập bẹ tiếng nói đầu, rạng rỡ khi con chập chững bước những bước đầu tiên, con thấy sự tự hào khi được làm mẹ.
Con đã thấy những bà mẹ kéo những xe đất đầy ắp, ngang với đàn ông, hay rong ruổi trên chiếc xe đạp chở hoa quả dạo những ngày hè oi ả, con thấy những bà mẹ vuốt phẳng từng đồng 1.000, 2.000, cốc nước chè không dám uống, chỉ để con có thêm chút cái bút, quyển vở đi học. Con thấy rõ sự mệt mỏi trong mắt những bà mẹ đó, nhưng con lại càng thấy một động lực nào đó thôi thúc họ. Con thấy sự sẵn sàng hi sinh của người mẹ.
Con đã thấy những ánh mắt mệt mỏi khi thức đêm trông con ốm, gầy đi theo sự tiều tụy của con. Con thấy những vòng tay ru con, ôm chặt con vào ngực, như muốn chịu mọi nỗi đau, bệnh tật thay con. Con thấy sự bao bọc, che chở tuyệt đối.
Con cũng thấy những bà mẹ rớt nước mắt khi nghe đứa con của mình nói rằng không muốn mẹ là mẹ mình chỉ vì mẹ không đáp ứng được nhu cầu nào đó của con. Buồn đến nao lòng khi bị con lừa dối. Và đau đớn khi con sa ngã, ngỗ nghịch bất hiếu, nhưng cuối cùng vẫn sẵn sàng bỏ qua tất cả, không một lời than trách. Và những đứa con, vẫn hồn nhiên làm tổn thương mẹ mình, hồn nhiên đòi hỏi và hồn nhiên giận dỗi.
Bởi vì đó là mẹ, là người luôn ở bên con, vì con làm mọi thứ, cho dù là những điều vô lý nhất.
Không ai có thể lý giải được tình thương yêu của mẹ, càng không thể diễn tả được sự vĩ đại của người mẹ.
“Không có giống loài nào yếu ớt như con người. Để một con người được lớn lên một cách bình thường thì người mẹ phải mất bao nhiêu máu thịt, công phu và nỗi niềm. Không tính xuể. Cũng chính vì vậy mà người mẹ kỳ vọng ở con mình nhiều nhất: sự thành đạt, hạnh phúc của con và chữ hiếu.
Tại sao người mẹ hay xếp chữ hiếu sau cùng chứ không ở vị trí số một? Đơn giản vì nước mắt chảy xuôi, người mẹ nào cũng nằm lòng phương ngôn ấy, cũng chỉ mong con có ăn có mặc, có của có tiền và có hạnh phúc. Mọi thứ ấy con phải khác mình, chúng phải được đổi đời. Còn chữ hiếu cho riêng mình có cũng được, không có mẹ cũng chẳng màng ...
Mẹ - có nghĩa là mãi mãi. Là cho đi không đòi lại bao giờ.
Mẹ ạ, có lẽ giờ thì con đã hiểu, thế nào là yêu thương - cho đến lúc chết ...
Con yêu mẹ - mẹ của con."

VIỆT HÙNG 

2 comments: