Monday, March 21, 2011

“Thưa sếp. Em sẽ làm ngay! Rồi em sẽ rút kinh nghiệm!”

Chuẩn bị tuyển nhân viên mới vào công ty, sếp Tiến tuyên bố: Chúng tôi cần người dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám sáng tạo, tự học hỏi lao vào cái mới, liều lĩnh, chập nhận tổn thương để tiến bộ.

Sếp Thủ rủ rỉ: tôi cần những người có kinh nghiệm từ 2 năm trở lên. Ai đã có kinh nghiệm thì tiếp tục ở lại thi xét tuyển, ai chưa đủ tiêu chuẩn thì “trượt từ vòng gửi xe đạp”.

Những người có kinh nghiệm nhưng không dám làm, không dám liều và không ham học hỏi liệu có phải là người mà các tổ chức đang cần?

Liều mới được nhiều. Phương Tây luôn khuyến khích mạo hiểm, sáng tạo. “high risk, high profit”, rủi ro cao thì lợi nhuận cao.

Nếu trong cuộc sống mà cái gì cũng phải lấy kinh nghiệm làm đầu thì những việc như: lập gia đình, đẻ con, lên chức mới … ta biết lấy kinh nghiệm từ đâu ra! Muôn đời chả bao giờ có cả!

Cái gì cũng lấy kinh nghiệm làm đầu thì làm gì có bóng điện, làm gì có người lên mặt trăng… Ngô Bảo Châu lần đầu tiên đạt Fields mà. 4000 năm văn hiến, nước ta đã ai có kinh nghiệm này đâu!

Không phải việc gì ta cũng chờ đến khi có kinh nghiệm mới làm, mong những người có kinh nghiệm đến mới tuyển.

Kinh tế thế giới đang trong khủng hoảng. Khí hậu đang biến đổi, thiên tai ngày càng khôn lường. Mọi thứ phát triển đã không tuyến tính nữa. Không thể lấy kinh nghiệm ngày hôm qua để vẽ nối tiếp thành ngày mai. Mọi thứ đều thay đổi đến chóng mặt. Không thể giải quyết vấn đề mới bằng chuẩn mực cũ.

Làm như CŨ mà mong kết quả MỚI là chuyện không thể!

Thế giới đã chuyển từ IQ – thông minh kiến thức sang AQ – thông minh vượt khó – độ dũng cảm, khả năng vượt khó vươn lên của con người trong những hoàn cảnh khó khăn nhiều biến động.

Thế giới đang dần chuyển từ kinh nghiệm sang dũng cảm nhiều khi liều lĩnh, dám làm, dám chịu, nhiệt huyết.

Đó là những phẩm chất mà thông thường có được ở giới trẻ, những sinh viên mới ra trường khi kinh nghiệm còn chưa có nhiều.

Muốn được phải mất. Một cái lạ bằng tạ cái quen. Khó đấy mà hay đấy.

“Thương trường là chiến trường”. Thời chiến tranh ai đã đứng ở tuyến đầu Tổ quốc? Hỡi các nhà tuyển dụng, hãy vì sự phát triển của tổ chức mình, của đất nước mình, nhanh chóng dũng cảm chuyển dịch theo thời đại.

Chính sự liều lĩnh dám làm cái mới đã giúp xã hội ta tiến bộ và thoát khỏi thời kỳ ăn lông ở lỗ ngày xưa. Nhưng liều lĩnh mà không rút kinh nghiệm sẽ biến ta thành những con thiêu thân, thí mạng cho ngọn lửa.

Kinh nghiệm & liều lĩnh, liều lĩnh phải biết rút kinh nghiệm.

Hỡi những thanh niên trẻ hãy dũng cảm chấp nhận tổn thương để phi thường. Hãy dấn thân làm những điều chưa ai dám làm, hãy là những người tiên phong. Ta có sức khỏe, nhiệt huyết và tuổi trẻ của mình. Đấy là lợi thế rất lớn của ta mà những người có nhiều kinh nghiệm không còn nữa. Ta hãy dấn thân làm ngay, ngày ngày quyết liệt, dám làm, dám vươn lên, từ đó mới có những kinh nghiệm quý báu cho chính mình.

Ta hãy thay câu nói: “Em chịu, em chưa có kinh nghiệm trong việc này” bằng câu: “Em làm ngay, em sẽ có kinh nghiệm về việc này”. Làm và nhớ rút kinh nghiệm!
Kinh nghiệm là kinh qua và nghiệm lại. Dám kinh qua cái mới, cái sáng tạo, cái mạo hiểm và hàng ngày phải nghiền ngẫm nghiệm lại đúc kết thành bài học phổ biến rộng rãi cho nhiều người áp dụng. Khuyến khích mạo hiểm để có kinh nghiệm. Không nên biến kinh nghiệm như một vũ khí hù dọa giới trẻ và làm lão hóa chính mình.

Xuân về hãy tạo đà cho sức trẻ, đừng để câu “Sống lâu lên lão làng” làm lão hóa chính chúng ta!

Hãy để kinh nghiệm & liều lĩnh cùng được song hành. “Khôn đâu đến trẻ, khỏe đâu đến già”.

Cùng hài hòa giữa kinh nghiệm già và sức trẻ để mọi tổ chức trường tồn và vĩ đại, để đất nước ta mãi mãi hùng cường như thời chiến chinh.

Phan Quốc Việt

No comments:

Post a Comment