Friday, March 18, 2011

Những gì đẹp đẽ nhất

Những gì đẹp đẽ nhất: "
Có bạn bảo với tôi là ngày nào bạn ấy cũng phải chiến đấu với cái chết. Vì bạn ấy thấy chết là một khoái cảm. Tôi bảo bạn ấy: Vì chết là bản năng chứ không phải sống. Sống, chẳng qua chỉ là một thói quen. Quen đến mức ham sống mà sợ chết.

Có bạn bảo với tôi là em chán [cuộc sống này] đến cùng cực rồi. Tôi bảo bạn ấy có khi phải chán chính mình đến cùng cực thì mới thấy yêu cuộc sống cũng nên.

***
Tôi nghĩ loài người tiến hóa đến văn minh, thì cái thời điểm chuyển từ mọi rợ qua văn minh, không phải là lúc họ phát minh ra cái công cụ này hay công cụ kia, mà phải là cái lúc họ có cảm xúc yêu ghét với đồng loại, có cảm xúc với thế giới mà họ sống, biết có hạnh phúc để kiếm tìm.



***
Một mùa hè nào đó khi tôi còn học cấp hai, vào những buổi chiều oi bức, tôi mày mò nghịch những khẩu súng K63. Đấy là những khẩu súng trường tự động có băng đạn bằng thép sáng bóng, có ốp súng bằng nhựa màu nâu. Bàn tay phải của tôi thường xuyên trày trụa da, máu chảy lẫn với dầu mỡ của súng.

Những khẩu súng K63 đặt ngăn nắp trên giá súng cuốn hút trí óc của tôi cho đến khi tôi quay qua nghịch khẩu súng trường CKC mà bây giờ người ta gọi theo kiểu phương tây là SKS. Khẩu CKC bẩn thỉu và đen đúa nằm cô độc ở góc nhà, không xa cái giá súng K63 ngăn nắp và sạch sẽ. Những viên đạn thép tối màu nạp thẳng vào thân súng, cái báng gỗ nặng chịch, cũ kỹ đầy dầu, và cái lưỡi lê tuốt trần sáng loáng ngay cả khi trời tối, đã đẩy những khẩu súng trường tự động K63 ra khỏi sự quan tâm trong óc tôi. Bàn tay phải, nhất là chỗ da giữa ngón cái và ngón trỏ, tiếp tục trày xước để dầu mỡ súng lẫn với máu rỉ ra từ dưới da.

***

Súng K63 có thể bắn liên thanh, như AK vậy, các tút văng lung tung xung quanh. Nếu chộp lấy những cái các tút ấy ngay khi nó vừa rơi xuống đất, bạn sẽ bị bỏng tay.

Tôi chưa nhặt được các vỏ đạn CKC nào. Khẩu súng cô độc ở góc nhà ấy tôi chưa thấy nó nhả đạn một lần nào. Nhưng cái lưỡi lê tuyệt đẹp bằng thép ấy thì tôi không thể nào quên được.

***

Có những bạn còn rất trẻ, sẵn sàng hủy hoại cơ thể mình vì họ cho rằng thế giới bên ngoài thật tàn nhẫn, họ không muốn nhìn, và sẵn sàng hủy hoại cơ thể mình để dùng nỗi đau thể xác vượt lên nỗi đau tinh thần.

Tôi có cảm giác nếu thực sự muốn dùng nỗi đau thể xác để vượt lên nỗi đau tinh thần người ta sẽ làm khác. Tôi không biết khác như thế nào, nhưng nó phải cô độc và sắc lạnh như cái lưỡi lê của súng trường CKC nằm lặng lẽ ở góc nhà.

Tôi biết một cô gái. Cô ấy hút thuốc và châm thuốc vào cổ tay trái. Lúc đó cô mới 19 tuổi. Khi tôi gỡ băng ở cổ tay ra và nhìn vào những vết thương, tôi biết cuộc sống ở đây đang sai hỏng ở chỗ nào đó mà phải rất lâu nữa mới chữa được.

***

Khi người nguyên thủy cần đến nhau, không phải cái cần của bầy đàn tựa vào nhau để săn bắn hái lượm, dựa vào nhau để phấn khích nhảy quanh trống đồng, mà cần nhau để chia sẻ khổ đau và kiếm tìm hạnh phúc, thì cái lúc xuất hiện nhu cầu cần nhau ấy cũng là lúc họ trở thành người văn minh.

***

Puskin có một đoạn thơ được dịch ra tiếng Việt, đại khái thế này: “Khi nào đó trong lòng mang thương tích. Những vết thương vô ý tự gây nên. Em hãy đến tìm tôi chiều tĩnh mịch. Tôi xin làm con sóng hát ru em.”
Nhà thơ Vina Song Hảo cũng có khổ thơ như sau: “Mặt đất còn gai chông. Bầu trời còn mưa gió. Bao giờ anh đau khổ. Hãy tìm đến với em.”
***

Hạnh phúc chắc cũng đơn giản. Kiểu như những nụ hôn ngắn xen giữa những ngụm bia lạnh uống từ lon mang lén vào rạp chiếu phim. Nhưng việc kiếm tìm và gìn giữ nó không đơn giản. Ngay cả việc nhận ra hạnh phúc cũng không phải là điều dễ dàng cho lắm.

Tôi theo thuyết tổng không đổi. Hạnh phúc chỗ này thì ở đâu đó khác sẽ có nỗi đau. Còn với những gì đẹp đẽ nhất mà ta may mắn có được, cách tốt nhất để lưu giữ, là tiêm vào tĩnh mạch để nó chảy về tim.

***
http://5xublog.wordpress.com/2011/03/06/nh%E1%BB%AFng-gi-d%E1%BA%B9p-d%E1%BA%BD-nh%E1%BA%A5t/

No comments:

Post a Comment