Monday, March 29, 2010

Don, Vọng cổ teen geisha và những chuyện linh tinh khác




Tính viết về bài vọng cổ teen lâu rồi mà cứ lười lười. Nhân tiện chú Don mới tung ra bản Vọng cổ geisha đang có vẻ "sốt" nên tui cũng ăn ké tán dóc linh tinh....



1. Tui thích bản Vọng cổ teen. Bởi vậy tui không hiểu nổi vì sao lại có người bảo đó là một trong "ba ca khúc kinh khủng nhất của làng nhạc Việt 2009". Trong cái bài viết này, tui thấy tội nghiệp và bệnh hoạn nhất là đoạn "Ca khúc là một sự pha trộn hỗn tạp giữa nhạc pop hiện đại và một câu cuối trong bài vọng cổ truyền thống. Đứng trên phương diện của những người làm nhạc, ca khúc đã thể hiện được sự sáng tạo khi có thể lắp ghép được 2 thứ tưởng chừng không thể hòa trộn vào nhau. Nhưng mặt khác đây chỉ là một “chiêu thức” tạo sự chú ý vì đã bóp méo và thiếu trân trọng đối với nghệ thuật cải lương, loại hình sân khấu truyền thống của dân tộc. Chắc hẳn những nghệ sĩ cải lương chân chính sẽ không vui vẻ gì khi nghe những “lên xang xuống xề” của mình lại được đặt cạnh những “ố ồ”, “de de” (yeah) vô nghĩa của âm nhạc hiện đại" Có nghĩa rằng, bản thân người viết cũng thấy hay, nhưng có lẽ để chứng tỏ mình là người "đậm đà bản sắc dân tộc" có nhiệm vụ "bảo vệ thuần phong mỹ tục" nên phải lên án sự "sáng tạo nhưng bóp méo"? So với "chiêu thức tạo sự chú ý bằng cách bóp méo" mà người viết này gán cho ca khúc này thì "chiêu thức tạo sự chú ý bằng cách bóp méo" của bài báo này còn tội nghiệp hơn nhiều lần.





2. Vì sao tui thích Vọng cổ teen? Vì tui nghĩ bài hát này ca từ giản dị, trong sáng, dễ thương, giai điệu dễ nhớ, không cầu kỳ, cộng thêm câu xuống xề cuối bài rất đáng yêu, ngộ nghĩnh, nhưng quan trọng hơn tất cả là tình cảm của giọng hát với ca khúc này. Có một cái gì đó rất chân thật, rất hồn nhiên trong giọng hát của Vĩnh Thuyên Kim - điều mà tui thấy hiếm khi tìm thấy trong hầu hết các ca khúc Việt Nam trong chục năm trở lại đây. Ca sĩ Việt Nam sau này ngoài chuyện không có giọng hát tốt, lại còn thêm cả sự giả tạo, kiểu cố hát tỏ vẻ cho có nghệ thuật, cho có học thuật, nhưng hoàn toàn không có chút tình cảm nào trong đó. Tui nghe những giọng hát ngày xưa, như Thái Thanh, Khánh Ly, Ngọc Cẩm - Nguyễn Hữu Thiết, có thể tui không thích nhưng tui vẫn cảm nhận được tình cảm của họ đặt vào bài hát. Nghe họ hát mà mình cảm nhận như họ thật sự đang tâm tình với người yêu của mình, không phải là đang phô diễn giọng hát, tài năng của họ.
Vì lẽ đó, tui thích nghe nhạc Mỹ, nhất là jazz, vì tôi nghe họ hát mà nghĩ tình tình yêu thấm đẫm qua giọng hát. Đi New Orleans, tui thích tới quán Fritzel's, bởi ca sĩ quán này lúc nào hát cũng đặt tình cảm vào đó. Những bài hát giản dị về tình yêu, mà người hát như đag hát tỏ tình với người mình yêu...
3. Tui biết tới chú Don "lypsync" hồi tháng 11 năm ngoái, không nhớ vì sao. Xem chú này nhép vở Hợp đồng mãnh thú, tui thấy nể vì khả năng nhép miệng chính xác, không chỉ khẩu hình mà cả tình cảm. Chú này nhép Lệ Thuỷ, như Kyo nói, thấy còn Lệ Thuỷ hơn Lệ Thuỷ thiệt luôn!
Giờ thì chú Don thành ngôi sao ở Việt Nam, mà gây tiếng vang chính nhờ bản Vọng cổ teen. Tiếng tăm ngày càng lừng lẫy khi Don xuất hiện cùng thần tượng của cậu, Thành Lộc, trong clip "Bài hát geisha". Giờ thì Don đã thành "ngôi sao" thật sự - quảng cáo cho Sony Ericsson với clip Vọng cổ geisha.
Đa phần phản ứng của mọi người là rất khoái sự nhí nhảnh ỏng ẹo màu mè của clip này.
Nhưng cũng có nguời phát bệnh với những màn ỏng ẹo của clip này.
Với tui, chuyện người thích hay ghét cái sự ỏng ẹo này không có liên hệ gì với tui. Có điều tui chỉ thấy chán. Chuyện này cách đây hai năm tui cũng đã nói, giờ lôi ra nói lại nữa. Tui thấy chán, bởi tui thấy ở Việt Nam, thật khó tìm thấy một hình mẫu đàn ông ra dáng đàn ông để giới trẻ noi gương theo. Don và đám con trai giả gái ỏng ẹo trong clip vọng cổ geisha trở thành tâm điểm thu hút đám trẻ ở Việt Nam. Cũng như trên sân khấu kịch Idecaf, hàng loạt nhân vật nam giả nữ, hoặc đàn ông nhưng đanh đá, chua ngoa, nhỏ mọn vẫn chiếm lĩnh. Dĩ nhiên, không có nghĩa tui muốn Don hay anh Thành Lộc phải tạo ra hình tượng đàn ông chân chính lẫm liệt - tui không tin là họ thích hợp và có thể làm được điều đó. Tui cũng chẳng biết yêu cầu ai chịu trách nhiệm cho điều ấy. Chỉ là thấy chán thế thôi. Bởi chúng ta không có hình tượng nam tính nào để cân bằng lại. Nhìn lại nền văn hoá nghệ thuật của nước nhà, mới thấy rằng sự thiếu hụt hình tượng nam tính không chỉ ở sân khấu, mà cả âm nhạc, điện ảnh (tui không dám nói gì về văn học vì tui không đọc nhiều truyện Việt Nam) và cả người của công chúng (diễn viên, ca sĩ, người mẫu v.v....).


4. Thế nhưng, tui đánh giá cao clip Vọng cổ geisha về mặt dàn dựng. máy đặt một chỗ, các nhân vật trong clip di chuyển liên tục để tạo ra không gian, với đủ cỡ cảnh toàn/ trung/ cận, tiền cảnh/ hậu cảnh mà không bị "chồng hình". So với nhiều video music ca nhạc của các ca sĩ chuyên nghiệp của Việt Nam thì rõ ràng sự dàn dựng/ chỉ đạo nghệ thuật của Vọng cổ geisha có thể xem là "chiếu trên".
5. Định nói về mấy vụ lộn xộn học đường mà báo chí đăng - nữ sinh đánh hội đồng bạn gái, cô giáo 'sờ chim' học trò trai - nhưng thôi, để khi khác.

No comments:

Post a Comment