Tuesday, August 24, 2010

Suối Nguồn

Trong thời gian vài tháng qua, có lẽ việc tôi cảm thấy hài lòng nhất là… đã đọc một cuốn tiểu thuyết có tên “Suối Nguồn” (The Fountainhead) của Ayn Rand. Điều hay nhất là tôi đã không có duyên đọc nó 10 hay 20 năm trước, khi mà nhận thức chưa thể đầy đủ để hiểu hết các tư tưởng của cuốn truyện này.
Suối Nguồn không phải là cuốn sách văn học kinh điển, thậm chí nếu chỉ xét về giá trị văn học thì nó là một tiểu thuyết khá bình thường, nhưng việc nó được tái bản vài chục lần và hơn 5 triệu bản đã được bán ra cho thấy đây là một tác phẩm khác thường. Giá trị của Suối Nguồn nằm ở tư tưởng mà cuốn sách này truyền tải. Người ta thường nhìn nó ở khía cạnh ca ngợi chủ nghĩa cá nhân, đối lập với chủ nghĩa tập thể — một cách nhìn đầy màu sắc chính trị — nhưng riêng với tôi, nó viết về: Thuyết sáng tạo cá nhân.

Bối cảnh của cuốn tiểu thuyết này là việc tranh đua giữa hai trường phái kiến trúc Cổ Điển và Hiện Đại. Những người bám theo chủ nghĩa Cổ Điển có xu hướng sao chép những cái đã có hàng ngàn năm của kiến trúc Hy Lạp, La Mã và luôn coi đó là chuẩn mực bất chấp công năng sử dụng của nó là gì. Vì đã có những khuôn vàng thước ngọc như vậy, họ rất ít phải sáng tạo và như mọi khi, số này luôn đông đảo, to mồm. Đối lập với họ là những kiến trúc sư được sinh ra trong sự đòi hỏi của thời đại (lưu ý cuốn sách này được viết năm 1943), họ phải đổi mới hoàn toàn cách suy nghĩ về kiến trúc, phải tạo ra một nền kiến trúc vị nhân sinh.
Tiêu biểu cho trường phái kiến trúc Hiện Đại là  Howard Roark, sinh viên bị đuổi học vì không bao giờ chịu thỏa hiệp vời những trò “hoa, lá, cành” vô nghĩa của chủ nghĩa Cổ Điển. Với anh, mỗi công trình phải là một sự sáng tạo mới, phải phù hợp với công năng của nó, tối ưu với người dùng.
Sáng tạo luôn là một hành trình khó khăn và đau đớn. Tác giả đã lấy hình tượng của thần Promethues, vị thần đem lửa xuống cho con người và đã phải chịu nhiều cực hình của các bậc “bề trên”, như hình tượng của nhà sáng tạo. Tương tự, Howard Roark cũng phải chịu vô số gièm pha, chống đối, xa lánh, súc xiểm khi không chịu thỏa hiệp với những kẻ tự coi mình là tinh hoa của giới kiến trúc đương thời. Nhưng là một nhà sáng tạo, anh phải đi một mình, không một phút, một giây nghi ngờ về mục đích của mình để tạo ra những tuyệt phẩm mà chỉ có anh, duy nhất có anh, làm được.
Tác giả chỉ ra rằng, sáng tạo là việc làm của một cá nhân, không bao giờ có khái niệm sáng tạo tập thể, đơn giản vì điều đó đi ngược với bản chất của việc sáng tạo. Sáng tạo là cái tạo nên những bước nhảy của văn minh nhân loại và đây là việc của một số ít người có khả năng, số còn lại chỉ là những người “dùng lại” sáng tạo (second-handers).

Bổ Đề Cơ Bản

Có thể tôi sẽ chẳng bao giờ viết bài này nếu không có ngày hôm qua 19/08/2010, một ngày đẹp trong lịch sử Việt Nam, khi Giáo sư Ngô Bảo Châu bước lên bục vinh quang nhận giải Nobel Toán Học – Fields.
Đã có nhiều bài viết về đề tài mà GS Châu đã chứng minh: Bổ Đề Cơ Bản (fundamental lemma) nhưng với phần lớn nhân loại đó là một hộp đen. Chúng ta chỉ biết rằng công trình của anh là một bước tiến lớn trong Toán Học, một lý thuyết có thể chứng minh tính đúng đắn cho nhiều lý thuyết khác và là cầu nối giữa Toán học với các môn khoa học khác. Công trình của anh là một bước tiến mới của nhân loại và tạp chí Time, vốn chẳng mấy khi ưu ái với các môn thuần túy lý thuyết như Toán, đã công nhận đó là một trong những công trình khoa học tiêu biểu trong năm 2009.
Nhiều người tin rằng sở dĩ GS Châu thành công là nhờ công lao của rất nhiều vị tiền bối đã tạo điều kiện, vun đắp, dạy dỗ anh. Vâng, không ai phủ nhận điều đó, không thể có chuyện sáng tạo đến từ chỗ hư không, không thể có chuyện GS Châu sinh ra đã biết cách giải quyết được bổ đề này, nhưng thành quả này dứt khoát là sáng tạo của riêng anh, Ngô Bảo Châu, không phải của bất kỳ ai khác, không phải của bất kỳ tập thể nào.
Bổ Đề Cơ Bản đã được đưa ra từ hơn 30 năm trước và chính người đề xướng ra, GS Langlands, đã từ bỏ nỗ lực chứng minh nó. Nhiều cái đầu kiệt xuất trong giới Toán học đã thất bại trong nỗ lực chứng minh bổ đề này trong trường hợp tổng quát. Và nếu sáng tạo có thể là công việc của tập thể thì người ta chỉ việc nhốt 30 nhà toán học hàng đầu vào một chỗ để chứng minh bổ đề này trong 1 năm thay vì chờ đợi lâu như vậy. Về căn bản, người ta không thể bắt 10 họa sĩ tài hoa để cùng tạo ra một tác phẩm sánh ngang những bức họa của Michelangelo hay bắt 10 nhà văn cùng viết một tác phẩm ngang tầm “Chiến Tranh và Hòa Bình” được. Nếu một công trình sáng tạo được đề tên nhiều người thì chắc chắn mỗi phần riêng lẻ trong đó là sáng tạo của từng thành viên trong nhóm đó.  Lao động có thể là tập thể, nhưng sáng tạo vĩnh viễn là phạm trù cá nhân.
Các bạn có thể có ý kiến khác, nhưng tôi tin rằng một quốc gia chỉ có thể hùng cường khi cổ vũ cho lao động tập thể nhưng tôn vinh sáng tạo của những cá nhân. Xin cảm ơn GS Châu, anh đã và sẽ đem lại cảm hứng sáng tạo cho nhiều người, nhiều thế hệ Việt Nam. Thành công của anh đặt ra một thước đo mới, cao hơn nhiều những suy nghĩ lấy lợi ích trước mắt làm cơ sở.

Sáng Tạo hay Sao Chép?

Trong giới làm Internet luôn có hai lựa chọn: Sáng tạo ra sản phẩm mới hoặc sao chép những nguyên mẫu đã thành công. Người Trung Quốc luôn chọn con đường thứ hai, họ clone mọi thứ, lạnh lùng, nhanh chóng, không cảm thấy day dứt dù chỉ một thoáng. Từ Facebook, Twitter tới Groupon (người ta đếm được hơn 200 Groupon clones ở TQ) được sao chép một phần hoặc toàn bộ, thậm chí đến mức chi tiết từng chức năng hay giao diện.
Ở đấy sẽ không có chỗ cho các nhà sáng tạo, mọi thành quả của người khác nghiễm nhiên được sử dụng. Với mô hình tương tự trong nhiều ngành khác, TQ đã trở thành “công xưởng của thế giới”, có nền kinh tế lớn thứ nhì thế giới. Nhưng điều đáng buồn là dù là một cường quốc, thế giới chưa bao giờ đánh giá cao những đóng góp của TQ cho sự phát triển của nhân loại vì có quá ít thành quả của sự sáng tạo đến từ đất nước này (đặc biệt trong thời hiện đại). Sự thật là, không có giải Nobel và giải Fields nào từng được trao cho công dân mang quốc tịch thuần TQ (Nói thêm, có một số người gốc Hoa đọat giải Nobel và Fields nhưng đó đều không phải là sản phẩm của nền khoa học Trung Quốc, xin đọc thêm ở đâyở đây).
Chọn lựa con đường sáng tạo luôn là lựa chọn con đường khó khăn cho mỗi công ty, mỗi cá nhân vì phía trước bạn là một biển những điều chưa biết. Bạn chỉ có thể linh cảm được những điều bạn làm là đúng nhưng sẽ không ai chứng minh giúp bạn, thậm chí có thể không ai hiểu bạn đang làm gì. Nhưng sáng tạo là cách duy nhất đem lại giá trị thực sự cho cá nhân bạn, công ty bạn, tổ quốc bạn và cho toàn nhân loại.

http://www.web2vietnam.com/2010/08/20/thuyet-sang-tao-ca-nhan/

1 comment:

  1. ngày xưa post một bài về suối nguồn rồi còn gì

    ReplyDelete