Saturday, December 11, 2010

Sách và đọc




Vì lý do công việc, tôi hay phải dọn nhà. Cứ mỗi lần lại phải mất một vài tháng thì ngôi nhà mới xa lạ mới trở nên thân thuộc. Tôi để ý thấy thời điểm mà sự thân thuộc tăng đột biến là thời điểm khi tôi lấy sách từ trong thùng mang xếp lên kệ. Lúc xếp sách lên kệ là lúc quá khứ của ta ùa vào không gian của hiện tại.
Tôi có rất nhiều sách. Có sách đã đọc, có sách đã đọc vài lần, có sách đọc một nửa, còn có quyển mới chỉ đọc vài trang. Nhưng mất quyển sách nào là tôi biết ngay. Và tôi rất ghét các bạn mượn sách mà quên trả, trong khi bản thân tôi thì cũng đôi khi giả quên.

Những quyển sách cũ hình thù xộc xệch vì thời gian là những quyển mà tôi cảm thấy gắn bó nhất. Quyển này từng vác sang Ấn Độ vào mùa mưa, trang giấy hút ẩm đến quăn queo, không bao giờ tìm lại được hình hài ban đầu. Quyển này vì để cả tháng trên bàn làm việc ở trên tầng bốn tràn đầy ánh nắng trong ngôi nhà của bố mẹ tôi ở Hà Nội, nên bìa đã phai màu. Nhìn những quyển sách úa đi với thời gian cũng thân thương như xem cha mẹ, người thân, bạn bè mỗi ngày một già.

Tôi không bao giờ viết hoặc bôi xanh bôi đỏ lên trang sách. Cũng như không bao giờ làm xấu bạn bè của mình.

Cuộc sống của mỗi người bị hạn chế trong không gian và trong thời gian. Mỗi người chỉ có thể sống một cuộc sống, tại mỗi thời điểm chỉ có thể có một vị trí. Trang sách chính là cửa sổ mở sang những cuộc đời khác, những thế giới khác. Và cũng là chỗ để ánh sáng mặt trời rọi vào cuộc đời mình.

Đọc sách không chỉ để thỏa mãn cái ham muốn hiểu biết về vũ trụ và về cuộc sống, mà còn là cách để nuôi dưỡng sự ham muốn đó. Một câu hỏi được giải đáp sẽ mở ra hai câu hỏi mới cần được giải đáp và dắt tay ta đến những trang sách mới.

Không phải cái gì mình cũng tìm được trong sách, vì cuộc sống luôn rộng lớn hơn sách vở. Có thứ sách không dạy được ta, vì nếu chưa được cuộc đời cho ăn đòn thì ta chưa hiểu. Cũng có những chuyện nói ra thành lời thì dễ hơn viết.

Nhưng ngược lại ta có thể học bằng đọc sách nhiều hơn người ta tưởng. Nhiều chuyện khó nói ra bằng lời lắm. Quan hệ xã giao giữa con người với con người phải tuân theo một số quy định: cuộc sống hàng ngày của mỗi người đã đủ mệt mỏi, không nên hành hạ người khác về sự day dứt của bản thân mình. Khi nói, mình muốn người khác phải nghe ngay. Khi viết, mình có thể để người ta đọc lúc nào cũng được. Chọn không đúng thời điểm, những thông điệp thiết tha nhất cũng trở nên lạc lõng. Lợi thế lớn nhất của sách là tính ổn định trong thời gian.

Sách là người bạn đặc biệt, lúc nào cũng sẵn sàng mở lòng với ta. Khi ta dọn nhà, bạn đi theo ta. Lúc nào bạn cũng đợi ta ở trên kệ sách.

Ngô Bảo Châu
(Viết theo yêu cầu của bà Muller-Marin, đại diện của Unesco ở Việt Nam, cho triển lãm Lifelong Learner.)
 
~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~
"Đọc thôi không đủ.  Đọc lại  - theo các chuyên gia - là quan trọng nhất.

Và cần đọc lại, không chỉ những cuốn sách mà ký ức về nó mờ nhạt dần hoặc lần đọc đầu tiên chúng ta không hiểu kỹ: phải đọc lại cả câu, danh từ, tính từ nhằm xác định một điều gì đó vĩnh viễn trong cuốn sách.  Một cuốn sách muốn gì?  Muốn được hiểu đúng.  Điều đó diễn ra từ từ, chậm rãi và phức tạp gần như trong cuộc đời.  Các cặp vợ chồng có khi mất hàng chục năm để người nọ làm người kia hiểu rõ mình.  Sách vở cũng là những người quen thân khó nắm bắt như thế.

Đọc theo danh mục, theo mốt hay theo truyền thống chưa đủ, phải tìm đến sách theo cảm giác, cuốn sách có thể nói - với chúng ta, trực tiếp - một điều gì đó.  Phải đọc thường xuyên, như người ta thường ăn, ngủ, yêu đương và hít thở vậy.  Những cuốn sách, cũng như con người, chúng chỉ trao gửi cho bạn những bí mật, sự tin cậy của chúng khi bạn cũng trao hết mình cho chúng.

Tôi không muốn viết sách kiểu khác, chỉ viết những cuốn thuộc sở hữu của mình.  Làm chủ tư tưởng và kiến thức có trong cuốn sách chưa đủ.  Hãy làm chủ toàn bộ cuốn sách, như một túi càn khôn của ý tưởng - vô điều kiện, như người ta khao khát một người tình".
 
http://lamvuthao.blogspot.com/ 

No comments:

Post a Comment